Ngày xưa đi học và chuyện dạy con

Tôi bắt đầu vào học lớp 1 năm 1945, khi Cách mạng tháng 8 vừa thành công và kết thúc bậc học phổ thông năm 1954 khi một nửa đất nước được giải phóng. Như thế là 9 năm học phổ thông của tôi là 9 năm của cuộc kháng chiến chống Pháp.

                               

1Hồi đó chúng tôi không bao giờ đặt cho mình câu hỏi “Học để làm gì?”. Quê tôi (làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nổi tiếng là đất học. Thời trước người đỗ đạt, khoa bảng rất nhiều, bởi thế đến tuổi  thì phải đi học là lẽ tự nhiên như phải ăn, phải ngủ, phải chơi đùa vậy... Hơn nữa bố tôi là thầy giáo làng, mẹ tôi làm nghề canh cửi, gia đình tuy không giàu có nhưng cũng không đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc, ngoài ra đi học chẳng tốn tiền vì không phải đóng học phí, không phải mua sách giáo khoa (có đâu mà mua), chỉ cần vài cuốn vở, cái lọ mực và chiếc bút sắt. Các bậc làm cha làm mẹ cho con đi học để chúng biết cái chữ, mà đã có chữ thì sẽ có nghĩa. Thế thôi!

Chẳng cần biết học để làm gì, chúng tôi chỉ biết đi học rất vui vì ngoài học ra còn được chơi bời thỏa thích trong giờ “ra chơi”, được tung tăng nhảy nhót, được vật nhau thậm chí đánh nhau, được đá cầu đá kiện, được đánh đáo đánh khăng, được trêu chọc bọn con gái... Cố nhiên, thỉnh thoảng cũng bị thầy mắng, thầy đánh, thậm chí đánh rất đau. Sợ nhất là bị đặt tay lên bàn để cho thầy dùng thước kẻ đánh vào mu bàn tay. Nếu sợ quá, rụt tay lại làm cho thầy đánh hụt thì bị phạt gấp đôi. Nhưng những chuyện đó là quá bình thường, đứa nào mà chẳng bị, chỉ khác nhau là bị ít hay nhiều mà thôi....

Chúng tôi cũng chẳng đặt câu hỏi: học như thế nào? Và học cái gì? Rất đơn giản: thầy dạy gì thì học nấy, thầy bảo làm gì thì cứ làm như thế, về nhà học bài cho thuộc để đến lớp thầy hỏi gì thì khoanh tay trước ngực và trả lời cho đúng.   

Tôi nhớ một kỉ niệm về thầy giáo của tôi và bài tập làm văn hồi cấp một. Bấy giờ làng tôi vừa có một đám tang rất linh đình của một ông phú hộ và hôm sau nhân dịp này thầy giáo ra cho chúng tôi bài làm “Tả một đám tang”.  Hầu như bọn bạn tôi đều tả lại đúng cái đám tang vừa mới xảy ra. Nào là cờ quạt, nào kiệu nào nhà táng, rồi trống chiêng, rồi kêu khóc... Riêng tôi thì không làm thế vì tôi không thấy thầy bảo “tả đám tang vừa qua ở làng ta”, thế thì tả đám tang nào mà chả được . Hồi đó tôi mê đọc tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn nên bị ảnh hưởng khá nhiều. Bởi vậy tôi tả một đám tang trong tưởng tượng của tôi, đám tang của một em bé chưa đầy mấy tháng tuổi vì căn bệnh hiểm nghèo. Bố mẹ em là người ngụ cư sống trong một túp lều rách nát ở bìa làng, kiếm sống bằng cách đi làm thuê bữa đực bữa cái. Em bé được bọc trong một manh chiếu rách và mang đi chôn ở một đám đất hoang xa làng xóm, vào một buổi chiều mưa phùn gió bấc... Hôm nộp bài, khi biết các bạn đều tả đám tang ông phú hộ, còn đám tang trong bài của tôi chỉ là bịa đặt, tôi lo lắm!

Một lớp học thời chiến.  Ảnh: T.L

Hôm trả bài, tôi bất ngờ được thầy giáo đặc biệt khen ngợi, được đọc bài làm cho cả lớp cùng nghe và được cho điểm 9. Thầy còn khuyến khích tôi “Cố lên, con có thể trở thành một nhà văn đấy!” Tôi rất tiếc là không giữ được bài văn ấy, nhưng mãi mãi tôi vẫn giữ lại hình ảnh người thầy giáo mà tôi yêu quý.

2. Bây giờ tôi kể về kỉ niệm giúp con gái tôi làm văn. Khi con gái tôi học cấp một, nó nhờ tôi giúp đỡ để làm bài văn “Tả con đường từ nhà em đến trường”. Tôi cảm thấy đề tài rất hay, và muốn con mình viết một bài văn tả thực. Tôi giảng cho con tôi đại ý như sau:

-  Đường từ nhà ta đến trường con vẫn đi bộ hàng ngày, con thấy thế nào thì viết đúng như thế. Theo bố, quãng đường này có ba đoạn: đoạn một từ nhà ra đến đường Cầu Giấy, đoạn hai từ đầu Cầu Giấy tới chỗ rẽ vào Chùa Hà, đoạn ba từ chỗ rẽ ấy đến trường.

Bây giờ ta tả đoạn thứ nhất. Hôm nào 6 h sáng con cũng bắt đầu đi đến trường. Con thường thấy gì?     

- Hôm nào con cũng thấy bà H, người có cái ao đang nuôi cá.

- Thế bà ấy thường làm gì?

- Bà ta hôm nào cũng chửi. Chửi những đứa ăn trộm, câu trộm cá nhà bà. Chửi những đứa đổ rác và đồ phế thải xuống ao bà ta làm cho cá chết... Bà ta chửi tục lắm bố ạ.

- Đúng rồi, bố có nghe. Nhưng không được viết tục như vậy vào bài. Thế được rồi, đoạn đường này chỉ cần viết thế. Tả cái ao cá và người đàn bà luôn chửi bới. Đến đoạn thứ hai con thấy gì ?

- Phố xá, ô tô, xe đạp, xe máy, cửa hàng, cửa hiệu, người mua, người bán,.. Rất đông người xếp hàng dài trước các cửa hàng mậu dịch, nơi thì mua dầu hỏa, nơi thì mua than, nơi thì mua gạo, nơi thì mua rau...

- Được rồi. Đoạn đường này chủ yếu mô tả cảnh chen lấn, cãi cọ để xếp hàng mua theo sổ. Thế còn đoạn thứ ba từ đường Cầu Giấy rẽ vào trường...

- Đoạn này chẳng có gì đâu bố ạ!

- Không có gì là thế nào? Lẽ nào lại thế?

- Chỉ có một con đường đất và hai bên là cánh đồng lúa, ngoài ra không có gì cả!

- Ôi tuyệt vời, thật là tuyệt vời khi ta gặp một con đường đất giữa cánh đồng lúa. Con không thấy cánh đồng rộng rãi đến thế? Con không thấy mùi thơm của lúa khi các bông lúa nặng trĩu chín vàng, kể cả khi cây lúa đang làm đòng? Con không thấy các chú bò ngộ nghĩnh đang gặm cỏ? Con không thấy bầy chim sâu vụt tung bay lên trời cao? Con không thấy bầu trời cao lồng  lộng?...

- Những thứ ấy đều có thể viết vào bài hả bố? 

- Cố nhiên, và phải viết chứ! 

Con bé hiểu ra và nó tự đi làm bài. Khi nó viết xong tôi đọc lại và không sửa gì ngoài một vài lỗi chính tả. Bài viết ngộ nghĩnh, chân thực, và rất trẻ con...

Một tuần sau con bé đi học về nét mặt buồn rười rượi. Nó nói như khóc: “Bài văn của con cô phê kém, chỉ được điểm 2. Cô còn nói con không chịu nghe cô hướng dẫn, không làm đúng dàn bài như cô dặn, không tả những thứ như cô bảo, lại đi viết chuyện chửi bới, chuyện chen lấn xếp hàng, chuyện con bò, đàn chim...”  

Tôi lặng người không nói được gì! Tôi nhớ lại thầy giáo tôi và lời khuyên của thầy. May mà tôi không cố để làm một nhà văn.

Văn Như Cương

Nguồn tin: GDTĐ